Ngày nay, nhiều trường hợp đáng tiếc vô ý làm chết người mang lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Hành vi vô ý làm chết người mặc dù không xuất phát từ ý muốn chủ quan của người phạm tội nhưng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Vô ý làm chết người là gì?
Vô ý giết người hay còn gọi là vô ý làm chết người là hành vi của một người làm cho người khác bị chết với lỗi vô ý; có nghĩa là người thực hiện hành vi gây hậu quả chết người do không thấy trước được khả năng gây ra hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước được; hoặc tuy biết hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
- Các dấu hiệu cơ bản của tội vô ý giết người
– Chủ thể: Người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ.
– Khách thể: Tội vô ý làm chết người xâm phạm quyền sống của con người. Đối tượng tác động của tội phạm này là con người.
– Mặt chủ quan
Về ý thức chủ quan của người phạm tội và đây cũng là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt giữa tội vô ý làm chết người với tội giết người. Đó là lỗi của người phạm tội, người phạm tội vô ý làm chết người thực hiện hành vi của mình dưới hình thức lỗi do vô ý bao gồm cả vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin.
+ Vô ý vì cẩu thả là trường hợp do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước. Tiêu chuẩn để xác định một người phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội là căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra sự việc, một người bình thường cũng có thể thấy trước; ngoài ra còn phải căn cứ vào độ tuổi, trình độ nhận thức, trình độ văn hoá, tay nghề.v.v…
+ Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra.
– Mặt khách quan
+ Hành vi phạm tội
Hành vi có thể được thực hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Những hành vi hành động có thể kể đến như việc trêu chọc một người quá mức dẫn đến hậu quả chết người xảy ra, do cẩu thả trong việc thực hiện công việc khiến cho người khác tử nạn ví dụ như cưa hoặc chặt cây khiến cây đổ vào người khác… Hành vi vô ý làm chết người cũng có thể diễn ra dưới dạng không hành động, tức là không làm việc mà bản thân cần làm để giúp đỡ một người khiến cho họ bị chết.
+ Hậu quả và mối quan hệ nhân quả
Đây là cấu thành tội phạm vật chất, có nghĩa là phải có hậu quả là chết người xảy ra thì mới có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người. Hậu quả chết người chưa xảy ra thì không đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vô ý.
Ở đây phải có mối liên hệ ràng buộc giữa hành vi vô ý và hậu quả chết người một cách biện chứng. Hành vi là nguyên nhân gây ra hậu quả và hành vi phải có trước hậu quả làm chết người xảy ra trên thực tế.
- Mức án với hành vi vô ý làm chết người
– Người vô ý làm chết người có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 1 năm – 10 năm tù theo điều 128 Bộ luật hình sự 2015
“Điều 128. Tội vô ý làm chết người
- Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Người phạm tội vô ý làm chết một người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự có khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51; thì Tòa án có thể áp dụng Điều 54 phạt người phạm tội dưới sáu tháng tù; hoặc chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn theo Bộ luật Hình sự 2015.
Người phạm tội vô ý làm chết nhiều người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự có khung hình phạt từ ba đến mười năm tù. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51; thì Tòa án có thể áp dụng Điều 54 phạt người phạm tội dưới ba năm tù; nhưng không được dưới sáu tháng tù.”
– Bên cạnh đó, trong trường hợp vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 12 năm tù, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm căn cứ theo điều 129 Bộ luật hình sự 2015:
“Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
- Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
================
CÔNG TY LUẬT VIETLINK
Trụ sở: P203 tòa nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội
Chi nhánh tại TP.HCM: 602, Lầu 6, tòa nhà số 60 đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đakao, quận 1, TP HCM
Tổng đài tư vấn trực tiếp 24/7: 1900868691
Email: hanoi@vietlinklaw.com
Website: vietlinklaw.com