Góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ là một trong những hình thức góp vốn vào doanh nghiệp được pháp luật quy định. Theo đó, các cá nhân, tổ chức có quyền sở hữu trí tuệ có thể dùng nó để góp vốn vào doanh nghiệp. Vậy pháp luật nước ta hiện nay quy định về vấn đề này như thế nào? Hãy theo dõi bài viết hôm nay để biết rõ về nó nhé!

1. Pháp luật quy định về góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ như thế nào?

Theo khoản 14, Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020: “góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập”.
Ngoài ra, theo nội dung tại Khoản 1, Điều 34 của luật doanh nghiệp 2020, tài sản góp vốn chính là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật và các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Như vậy, quyền sở hữu trí tuệ chính là một tài sản có thể dùng để góp vốn vào doanh nghiệp. Ở đây ta có thể hiểu hình thức góp này chính là việc các nhân, tổ chức chuyển tên chủ sở hữu đứng tên trên văn bằng bảo hộ và ghi nhận quyền này vào trong danh sách tài sản của doanh nghiệp.Vậy quyền sở hữu trí tuệ ở đây là gì?

Góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ 1
Ảnh minh họa

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi vào năm 2009: “Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.”

2. Điều kiện để được góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ

Theo quy định của pháp luật, các cá nhân, tổ chức khi thực hiện góp vốn thì cần phải đáp ứng được các điều kiện như sau:

– Cá nhân, tổ chức góp vốn phải là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với  các đối tượng sở hữu trí tuệ mới có thể dùng nó để góp vốn theo quy định của pháp luật.

– Các đối tượng sở hữu trí tuệ dùng để góp vốn phải là những tài sản không bị tranh chấp và không bị thế chấp hoặc bảo lãnh tại đâu.

– Việc góp vốn này chỉ áp dụng đối với quyền nhân thân gắn với quyền tài sản và quyền tài sản trong quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, các tác phẩm nghệ thuật và khoa học, quyền tài sản của chủ sở hữu của quyền liên quan; quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, bí mật kinh doanh, thiết kế bố trí, tên thương mại; quyền đối với giống cây trồng.

Góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ 2
Chứng nhận quyền tác giả

Việc góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ có thể được thực hiện qua 2 hình thức bao gồm: Góp vốn bằng quyền sở hữu các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ.

3. Trình tự, thủ tục góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ

Quyền sở hữu trí tuệ nếu đã đáp ứng được các điều kiện theo quy định pháp luật và muốn được góp vốn vào doanh nghiệp thì phải thực hiện các bước sau:
Bước 1: Định giá quyền sở hữu trí tuệ
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 36 của Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi hay vàng thì phải được các thành viên, cổ đông sáng lập công ty hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.”

Ở đây, quyền sở hữu trí tuệ chính là một tài sản không thuộc các loại trên do đó phải được định giá để quy đổi ra thành tiền và thể hiện là Đồng Việt Nam.

Ngoài ra, khoản 2 điều này cũng có quy định: Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá trên nguyên tắc nhất trí hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp tiến hành định giá. Trong trường hợp tình sản được tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được đại đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.

Theo nội dung tại thông tư số 06/2014/TT-BTC, có bao gồm 3 nhóm phương pháp được áp dụng để thẩm định giá tài sản:
+ Nhóm phương pháp định giá sử dụng cách tiếp cận chi phí.
+ Nhóm phương pháp định giá sử dụng cách tiếp cận thị trường.
+ Nhóm phương pháp định giá sử dụng cách tiếp cận thu nhập.

Bước 2: Lập hợp đồng góp vốn và tiến hành nộp hồ sơ góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ

Sau khi quyền sở hữu trí tuệ được định giá, các cá nhân, tổ chức phải tiến hành lập hợp đồng góp vốn bao gồm các nội dung cơ bản sau:

– Tên, địa chỉ… của bên góp vốn, bên nhận vốn – Bên góp vốn, Bên nhận góp vốn
– Quyền sở hữu trí tuệ cụ thể ( Chủ giấy chứng nhận hay chủ bằng độc quyền,…, số đơn, ngày nộp đơn, quyết định cấp, thời hạn bảo hộ,…)
– Giá trị quyền sở hữu trí tuệ.
– Thời hạn góp vốn; mục đích góp vốn; đăng ký góp vốn và nộp lệ phí.
– Cam đoan của các bên liên quan

Hợp đồng góp vốn phải được công chứng tại văn phòng công chứng hoặc được chứng thực tại các cơ quan có thẩm quyền.

Hợp đồng góp vốn
Hợp đồng góp vốn

Ngay sau khi có hợp đồng góp vốn, các bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ đăng ký góp vốn. Nó sẽ bao gồm những loại giấy tờ sau:
+ Giấy tờ nhân thân của bên góp vốn và nhận góp vốn.
+ Hợp đồng góp vốn.
+ Văn bản định giá tài sản góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ.
+ Đơn được kê khai theo mẫu của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu trí tuệ.

Bước 3: Chuyển quyền sở hữu trí tuệ sang cho doanh nghiệp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Theo nội quy định tại Luật doanh nghiệp nước ta, tài sản góp vốn là quyền sở hữu trí tuệ thì phải được chuyển quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp. Do đó, các cá nhân, tổ chức cần thực hiện chuyển quyền sở hữu trí tuệ cần góp vốn thông qua việc thay đổi chủ sở hữu đối với quyền sở hữu trí tuệ đó tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cá nhân, tổ chức muốn chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp thì phải thực hiện chuyển giao quyền sở hữu dưới hình thức hợp đồng lập bằng văn bản.

4. Căn cứ pháp lý

Nội dung các quy định về vấn đề góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ được tham khảo tại các văn bản luật sau:

– Luật Doanh nghiệp 2014;
– Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.
– Thông tư số 06/2014/TT-BTC.

5. Tổng kết

Hy vọng bài viết này đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về vấn đề góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ cho bạn. Đề được tư vấn cụ thể hơn, quý khách có thể liên hệ với chúng tôi qua
================
Công ty Luật Vietlink
▪ Địa chỉ: P203 tòa nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội
▪ Hotline: 0914.929.086
▪ Email: hanoi@vietlinklaw.com
▪ Website: vietlinklaw.vn