Giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại là một trong những hình thức giải quyết tranh chấp thương mại được quy định tại Luật Thương mại 2005. Vậy trình tự, thủ tục của phương thức giải quyết này được thực hiện như thế nào? Bài viết của Công ty luật Vietlink hôm này sẽ làm rõ những vấn đề trên để khách hàng có thể tham khảo và áp dụng nó một cách hợp lý nhất.
1. Trọng tài thương mại là gì?
Theo khoản 1 Điều 2 của Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 thì trọng tài thương mại được hiểu là phương thức giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại được các bên thỏa thuận và được tiến hành theo trình tự, thủ tục do Pháp lệnh này quy định.
Còn dựa vào Khoản 1 Điều 3 Luật trọng tài thương mại năm 2010 thì trọng tài thương mại là khái niệm chỉ phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận. Việc tiến hành giải quyết tranh chấp phải tuân thủ đúng theo quy định của Luật trọng tài thương mại 2010.
Trọng tài chính là bên trung gian thứ ba được các bên liên quan đến tranh chấp chọn ra để giúp giải quyết những xung đột. Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại khá đơn giản, linh hoạt theo thỏa thuận giữa các bên nên có thể giúp cho quá trình giải quyết tranh chấp nhanh chóng.
Trung tâm trọng tài thường tổ chức theo cơ cấu gồm có ban điều hành, ban thư ký và các trọng tài viên của trung tâm. Bộ máy của trung tâm trọng tài đơn giản, gọn nhẹ. Ban điều hành của trung tâm này chỉ bao gồm chủ tịch, một hoặc các phó chủ tịch và có thể có thêm tổng thư ký do chủ tịch trung tâm trọng tài cử. Chủ tịch trung tâm trọng tài chính là một trọng tài viên. Trung tâm trọng tài có danh sách các trọng tài viên, họ sẽ tham gia vào việc giải quyết tranh chấp khi được chọn hoặc chỉ định.
=> Các câu Hỏi Thường Gặp Về Thông Tư số 29/2024/TT-BGDĐT
2. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại
Theo quy định tại Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010, Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại bao gồm:
- Tranh chấp có thể được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên liên quan có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài này có thể được thành lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
- Trong trường hợp nếu một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thỏa thuận trọng tài này vẫn sẽ có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
- Trường hợp nếu một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài này vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Khi đã xác định giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại thì các bên cần lưu ý: trong quá trình xác lập thỏa thuận cần tránh các trường hợp dẫn đến thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu. Cụ thể, thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu trong các trường hợp sau:
- Tranh chấp phát sinh trong những lĩnh vực không thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài thương mại.
- Người xác lập Thoả thuận Trọng tài là người không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
- Người xác lập Thoả thuận Trọng tài là người không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự;
- Hình thức của Thoả thuận Trọng tài không phù hợp với các quy định của Luật trọng tài thương mại (phải bằng văn bản, có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản Trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng);
- Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập Thoả thuận Trọng tài và có yêu cầu tuyên bố Thỏa thuận Trọng tài đó là vô hiệu;
- Thỏa thuận Trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.
3. Các hình thức trọng tài thương mại
Trọng tài thương mại tồn tại dưới hai hình thức cơ bản bao gồm trọng tài vụ việc và trọng tài thường trực.
- Trọng tài vụ việc
Đây là hình thức trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập để giải quyết vụ việc khi xảy ra tranh chấp và Trọng tài này không còn hoạt động sau khi vụ việc đã được giải quyết xong. Đặc trưng cơ bản của hình thức trọng tài này bao gồm:
– Được thành lập khi các tranh chấp phát sinh và tự chấm dứt hoạt động khi giải quyết xong tranh chấp.
– Hình thức trọng tài này không có trụ sở thường trực, không có bộ máy điều hành và cũng không có danh sách trọng tài viên. Trọng tài viên được các bên liên quan đến tranh chấp chỉ định có thể là người có tên trong hoặc ngoài danh sách trọng tài viên của bất kỳ một trung tâm trọng tài nào đó.
– Quy tắc tố tụng để giải quyết tranh chấp có thể do các bên thỏa thuận xây dựng hoặc lựa chọn từ bất kỳ một quy tắc tố tụng nào của các trung tâm trọng tài khác.
- Trọng tài thường trực
Đây là hình thức trọng tài được tổ chức khá chặt chẽ, có bộ máy điều hành, có trụ sở làm việc thường xuyên và thường là có danh sách các trọng tài viên hoạt động theo điều lệ và quy tắc tố tụng riêng. Đa số các tổ chức trọng tài lớn, có uy tín trên thế giới đều được thành lập theo mô trọng tài thường trực với những cái tên như: trung tâm trọng tài, ủy ban trọng tài, viện trọng tài,… nhưng có lẽ chủ yếu và phổ biến nhất là được tổ chức dưới dạng các trung tâm trọng tài.
4. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại
Trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm bất kỳ điều cấm và trái đạo đức xã hội nào.
Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.
Các bên tranh chấp đều có sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình
Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Phán quyết trọng tài là chung thẩm.
=>Thông tin hữu ích: Quy định về Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
5. Các bước giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại
- Bước 1: Xét thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại
Theo điều 33 của Luật Trọng tài thương mại 2010, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 2 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên bị xâm phạm, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác.
- Bước 2: Gửi đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại
Sau khi xem xét còn thời hiệu khởi kiện, các bên có quyền làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài để yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại.
Trong trường hợp nếu các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài nhưng có một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được.
Dựa vào nội dung tại điều 30 của Luật Trọng tài thương mại 2010, trường hợp giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện để gửi đến Trung tâm trọng tài. Trường hợp tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn. Kèm theo đơn khởi kiện đó, phải có thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan.
Nếu các bên không có các thỏa thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác, trong khoản thời gian 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kiện, các tài liệu kèm theo và chứng từ nộp tạm ứng phí trọng tài, Trung tâm trọng tài sẽ gửi cho bị đơn bản sao đơn khởi kiện của nguyên đơn và những tài liệu theo quy định tại khoản 3 Điều 30 của Luật này.
Bị đơn có quyền kiện lại nguyên đơn về những vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp. Đơn kiện lại của bị đơn phải được gửi cho Trung tâm trọng tài. Trong trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, đơn kiện lại phải gửi cho Hội đồng trọng tài và nguyên đơn. Đơn kiện lại phải được nộp cùng thời điểm nộp bản tự bảo vệ.
- Bước 3: Trung tâm trọng tài thành lập Hội đồng trọng tài
Nội dung điều 38 Luật Trọng tài thương mại 2010 cho phép các bên tranh chấp vẫn có quyền tự mình thương lượng, thỏa thuận chấm dứt việc giải quyết tranh chấp. Nếu trong trường hợp các bên tự thỏa thuận được với nhau để chấm dứt việc giải quyết tranh chấp thì có quyền yêu cầu Chủ tịch Trung tâm trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. Trường hợp nếu không thỏa thuận được thì một Hội đồng trọng tài sẽ được thành lập để giải quyết tranh chấp đó.
Tùy vào tính chất của tranh chấp mà các bên liên quan thỏa thuận Thành lập Hội đồng trọng tài tại trung tâm trọng tài hoặc Thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc để giải quyết tranh chấp. Trình tự thành lập được quy định tại Điều 40 và Điều 41 của Luật Trọng tài thương mại 2010.
- Bước 4: Mở phiên họp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại
Theo quy định tại điều 58 Luật Trọng tài thương mại 2010, khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết trong vụ tranh chấp thì Hội đồng trọng tài sẽ lập biên bản hoà giải thành công, có chữ ký của các bên và xác nhận của các Trọng tài viên. Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này là chung thẩm và có giá trị như phán quyết của trọng tài.
- Bước 5: Phán quyết của Hội đồng trọng tài
Trong trường hợp các bên không hòa giải thành thì Hội đồng trọng tài sẽ tiến hành giải quyết tranh chấp. Kết quả giải quyết sẽ được thể hiện thông qua phán quyết của Hội đồng trọng tài. Theo Điều 60 Luật Trọng tài thương mại 2010, Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số.
Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài sẽ được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Khi phán quyết trọng tài có hiệu lực, Nhà nước khuyến khích các bên tự nguyện thi hành phán quyết này.
Nếu hết thời hạn thi hành phán quyết, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.
Đối với phán quyết của Trọng tài vụ việc, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài sau khi phán quyết được đăng ký theo quy định tại Điều 62 của Luật Trọng tài thương mại 2010.
6. Tổng kết
Trên trên đây là những thông tin liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích được nhiều bạn trong quá trình kinh doanh. Nếu cần tư vấn thêm, hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại. 024.3769.0339, Hotline: 0914.929.086, Email: Hanoi@vietlinklaw.com hoặc liên hệ tới Công ty Luật Vietlink theo địa chỉ: P203 tòa nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội.