Tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp – một số vấn đề cần biết

Vietlinklaw > Sở hữu trí tuệ  > Tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp – một số vấn đề cần biết

Tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp – một số vấn đề cần biết

Tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp

Tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp là vấn đề vẫn diễn ra hằng ngày trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Nếu là một người kinh doanh, bạn nên tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này. Bài viết hôm nay, Vietlink Law sẽ cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích trong tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp. Hãy theo giỏi nhé!

1. Xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp 

Theo quy định của pháp luật tại khoản 6 Điều 203 Luật Sở hữu trí tuệ thì: “trong trường hợp có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì nguyên đơn phải chứng minh thiệt hại thực tế đã xẩy ra và nêu căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 205 của Luật Sở hữu trí tuệ”.

Thiệt hại được xác định theo quy định tại Điều 204 Luật Sở hữu trí tuệ gồm có:

–   Thiệt hại về vật chất bao gồm các tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại;

–  Thiệt hại về tinh thần bao gồm các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng.

– Mức độ thiệt hại được xác định trên cơ sở các tổn thất thực tế mà chủ thể QSHCN phải chịu do hành vi xâm phạm QSHTT gây ra.

Vi phạm quyền sở hữu công nghiệp gây ra nhiều thiệt hại

Vi phạm quyền sở hữu công nghiệp gây ra nhiều thiệt hại

2. Người có quyền khởi kiện khi tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp

Tác giả sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng.

– Chủ sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng, nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí mật kinh doanh.

– Người sử dụng hợp pháp tên gọi xuất xứ hàng hoá, chỉ dẫn địa lý.

– Người được thừa kế quyền sở hữu công nghiệp

– Người có quyền sử dụng hợp pháp các đối tượng sở hữu công nghiệp thông qua hợp đồng li-xăng.

– Người biểu diễn; tổ chức, cá nhân sản xuất băng ghi âm, ghi hình; tổ chức phát thanh, truyền hình.

– Tổ chức, cá nhân được các chủ thể trên uỷ quyền theo quy định của pháp luật.

Lưu ý : Đối với quyền sở hữu công nghiệp, nếu tác giả, chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp đối tượng sở hữu công nghiệp khởi kiện tổ chức, cá nhân khác xâm phạm quyền của mình phải là người đã được cấp Văn bằng bảo hộ cho đối tượng sở hữu công nghiệp đó; và hành vi vi phạm xảy ra trong thời hạn bảo hộ.

3. Các tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp

  • Tranh chấp về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý;
  • Tranh chấp về quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu;
  • Tranh chấp về quyền tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;
Tranh chấp về quyền tác giải sáng chế

Tranh chấp về quyền tác giải sáng chế

  • Tranh chấp về quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;
  •  Tranh chấp về quyền tạm thời đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí giữa người có quyền nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí với người đang sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đó hoặc tranh chấp về khoản tiền đền bù giữa chủ văn bằng bảo hộ với người đã sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;
  • Tranh chấp về quyền sử dụng trước sáng chế, kiểu dáng công nghiệp giữa chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp với người sử dụng trước sáng chế, kiểu dáng công nghiệp liên quan đến việc chuyển giao quyền đó cho người khác, mở rộng phạm vi, khối lượng sử dụng mà không được phép của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp;
  • Tranh chấp về khoản tiền đền bù giữa chủ văn bằng bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; thiết kế bố trí với người sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; thiết kế bố trí trong khoảng thời gian từ ngày công bố đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ trên Công báo sở hữu công nghiệp đến ngày cấp văn bằng bảo hộ;
  • Tranh chấp về quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp (bao gồm cả tranh chấp về phần quyền của các đồng chủ sở hữu);
  • Tranh chấp phát sinh từ các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;
  •  Tranh chấp phát sinh từ các hành vi xâm phạm quyền của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; thiết kế bố trí;
  • Tranh chấp về trả thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;
  • Tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp; hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc tranh chấp về hợp đồng dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;
  •  Tranh chấp về thừa kế, kế thừa quyền sở hữu công nghiệp, quyền
  • tài sản của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; thiết kế bố trí;
  • Tranh chấp phát sinh từ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh;
  • Các tranh chấp khác về quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật.

4. Các phương pháp giải quyết tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp

– Giải quyết tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hòa giải, thương lượng: Khi bị xâm phạm về quyền và lợi ích đối với quyền sở hữu công nghiệp đã được đăng ký bảo hộ, bên bị xâm phạm có quyền yêu cầu bên xâm phạm chấm dứt các hành vi vi phạm và bồi thường các thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

Phương pháp hòa giải, thương lượng đơn giản, hiệu quả, nhanh chóng, thuận tiện, ít tốn kém chi phí của các bên. Các bên có tranh chấp xảy ra cũng có thể bảo vệ uy tín cho chính họ, bảo vệ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên không được đảm bảo thi hành bởi cơ chế bắt buộc nên có thể sẽ không đưa ra được kết quả theo ý muốn.

– Giải quyết tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp bằng việc khởi kiện ra tòa án diễn ra khi hai bên không thể thương lượng hòa giải, thì bên bị xâm phạm có quyền khởi kiện bên xâm phạm ra Tòa án theo luật tố tụng dân sự.

Đối với phương pháp này, quyết định bắt buộc các bên phải thi hành, nếu không thi hành sẽ bị cưỡng chế. Do vậy vấn đề chấm dứt hành vi vi phạm sẽ được giải quyết gần như là triệt để. Tuy nhiên, tốn nhiều thời gian và chi phí. Phán quyết của tòa án thường bị kháng cáo dẫn tới việc quá trình tố tụng bị kéo dài thậm chí bị trì hoãn khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn.

5. Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự về quyền sở hữu công nghiệp

5.1. Điều kiện về quyền sở hưu công nghiệp

Khoản 2 Mục III Phần A, Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP ngày 03/4/2008 quy định:

  • 2.1. Quyền sở hữu công nghiệp đã được xác lập theo các căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 6 của Luật sở hữu trí tuệ và Điều 6 của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số Điều của Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp (sau đây viết tắt là Nghị định số 103/2006/NĐ-CP).

Phải xác định cụ thể tranh chấp liên quan đến đối tượng sở hữu công nghiệp nào (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; thiết kế bố trí; nhãn hiệu…) để xác định căn cứ xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với đối tượng đó. Vì không phải trong mọi trường hợp căn cứ xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với mọi đối tượng sở hữu công nghiệp đều như nhau. Có trường hợp phải qua thủ tục đăng ký, có trường hợp không phải qua thủ tục đăng ký.

Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp đối với đối tượng sở hữu công nghiệp và cần thiết phải xác định quyền sở hữu công nghiệp đã được xác lập hợp pháp hay chưa, thì cần phân biệt như sau:

  • Phải căn cứ vào văn bằng bảo hộ do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) quyết định cấp cho người nộp đơn đăng ký đối với sáng chế; thiết kế bố trí; kiểu dáng công nghiệp; nhãn hiệu (trừ nhãn hiệu nổi tiếng); chỉ dẫn địa lý. Đối với nhãn hiệu đăng ký quốc tế theo Thoả ước Madrid và Nghị định thư Madrid, thì căn cứ vào công nhận của cơ quan quản lý nhà nước đối với đăng ký quốc tế đó.
  • Phải căn cứ vào các Điều kiện bảo hộ đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp là nhãn hiệu nổi tiếng, tên thương mại, bí mật kinh doanh, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh, quy định tại các mục 4, 5 và 7 Chương VII của Luật sở hữu trí tuệ

5.2. Điều kiện về thời hạn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

  • Thời hạn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp vẫn còn theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
  • a) Đối với quyền sở hữu công nghiệp đã được xác lập cho các đối tượng sở hữu công nghiệp là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý phải căn cứ vào văn bằng bảo hộ được cấp cho từng loại đối tượng sở hữu công nghiệp để xác định phạm vi bảo hộ ghi trong văn bằng bảo hộ đó.
  • b) Đối với quyền sở hữu công nghiệp được xác lập cho các đối tượng là tên thương mại, bí mật kinh doanh, thì phạm vi quyền được xác định theo quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 16 của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP.
  • c) Thời hạn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được xác định căn cứ vào thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ quy định tại Điều 93 của Luật sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp hiệu lực của văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hoặc bị huỷ bỏ hiệu lực, thì quyền sở hữu công nghiệp cũng chấm dứt.

Nếu hết thời hạn bảo hộ hoặc văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bị chấm dứt hoặc bị huỷ bỏ hiệu lực, thì các quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp không còn được Nhà nước và pháp luật bảo hộ. Do đó, Toà án chỉ thụ lý đơn khởi kiện để giải quyết nếu hành vi xâm phạm xảy ra vào thời điểm văn bằng bảo hộ còn hiệu lực hoặc đối tượng quyền sở hữu công nghiệp vẫn còn trong thời hạn được bảo hộ.

Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

6. Thủ tục khởi kiện tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp 

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

–           Người khởi kiện chuẩn bị đơn khởi kiện, nội dung đơn khởi kiện phải có các nội dung quy định tại Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự

–           Tài liệu kèm theo đơn khởi kiện (chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp).

Theo quy định tại Điều 203 Luật Sở hữu trí tuệ thì: “Nguyên đơn và bị đơn trong vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có quyền và nghĩa vụ chứng minh theo quy định tại Điều 79 của BLTTDS và theo quy định tại Điều này”

Đối với nguyên đơn: để chứng minh là chủ thể QSHCN, nguyên đơn phải đưa ra một trong các chứng cứ sau đây: Văn bằng bảo hộ, Sổ đăng ký quốc gia về SHCN, chứng cứ cần thiết để chứng minh quyền đối với bí mật kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu nổi tiếng; bản sao hợp đồng sử dụng đối tượng SHCN trong trường hợp quyền sử dụng được chuyển giao theo hợp đồng.  Ngoài ra nguyên đơn phải cung cấp các chứng cứ về hành vi xâm phạm QSHCN hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh (khoản 3 Điều 203 Luật SHTT).

Điều 25 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP quy định: các tài liệu, hiện vật được coi là chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm QSHCN như sau: bản gốc hoặc bản sao hợp pháp tài liệu mô tả, mẫu vật, hiện vật có liên quan thể hiện đối tượng được bảo hộ; Vật mẫu, hiện vật có liên quan, ảnh chụp, bản ghi hình sản phẩm bị xem xét; bản giải trình, so sánh giữa sản phẩm bị xem xét với đối tượng được bảo hộ; biên bản, lời khai, tài liệu khác nhằm chứng minh xâm phạm

Bước 2: Nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án

Bước 3: Tòa án xem xét, thụ lý giải quyết

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây:

–  Tiến hành thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;

–  Trường hợp không thuộc thẩm quyền của Tòa án thì phải chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện biết.

Thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án được quy định như sau:

– 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần nhưng không quá 02 tháng.

– Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải tiến hành lấy lời khai của đương sự, tiến hành các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ hoặc định giá, ủy thác thu thập chứng cứ (nếu có).

Bước 4: Tòa án đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm

Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn mở phiên tòa có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

7. Căn cứ pháp lý

  • Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019.
  • Thông tư liên tịch 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại toà án nhân dân.
  • Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số Điều của Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp
  • Bộ luật Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
  • Nghị định 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành hính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Quý khách hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được tư vấn:

================

Công ty Luật Vieltink

▪ Địa chỉ: P203 tòa nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội

▪ Hotline: 0914.929.086

▪ Email: hanoi@vietlinklaw.com

▪ Website: vietlinklaw.com

Bài viết liên quan