TRÁI PHIẾU LÀ GÌ? NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TRÁI PHIẾU

Vietlinklaw > Tư vấn pháp luật  > TRÁI PHIẾU LÀ GÌ? NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TRÁI PHIẾU

TRÁI PHIẾU LÀ GÌ? NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TRÁI PHIẾU

Trái phiếu là một kênh đầu tư quen thuộc tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro. Vì vậy, cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định đầu tư vào trái phiếu để đạt hiệu quả cao nhất.
I. Trái phiếu là gì?
– Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp hoặc chính phủ với người nắm giữ.
– Chứng khoán là khái niệm được dùng khi đề cập đến các sản phẩm tài chính xác nhận sở hữu hợp pháp đối với tài sản hoặc phần vốn của công ty hay tổ chức đã phát hành. Khái niệm chứng khoán bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ, chứng quyền…
– Trong số các loại chứng khoán, trái phiếu là loại xác nhận nghĩa vụ nợ của đơn vị phát hành (doanh nghiệp hoặc chính phủ) với người nắm giữ trái phiếu (người cho vay) với một khoản tiền trong một thời gian xác định.
– Đơn vị phát hành trái phiếu phải trả lợi tức cho người sở hữu trái phiếu và hoàn trả khoản tiền vay khi trái phiếu đáo hạn.
– Thu nhập của trái phiếu được gọi là lợi tức – là khoản tiền lãi được trả cố định thường kỳ cho người nắm giữ và không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của đơn vị phát hành.
– Trái phiếu là chứng khoán nợ, vì vậy khi công ty bị giải thể hoặc phá sản, người nắm giữ trái phiếu được ưu tiên thanh toán trước cổ đông nắm giữ cổ phiếu. Khác với người nắm giữ cổ phiếu, trái chủ (người nắm giữ trái phiếu) không có quyền tham gia vào hoạt động của công ty.
– Có nhiều loại trái phiếu khác nhau, được phân loại tuỳ theo đơn vị phát hành (trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ), lợi tức (lãi suất cố định, lãi suất thả nổi, lãi suất bằng 0), mức độ đảm bảo thanh toán, hình thức và tính chất trái phiếu…
II. Ưu điểm, nhược điểm của trái phiếu :
– Ưu điểm khi đầu tư trái phiếu:
+ Lãi suất nhận được thường kỳ là cố định mà không hề phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của nhà phát hành trái phiếu.
+ Được ưu tiên trả trước so với cổ phần ưu đãi và cổ phần thông thường nếu nhà phát hành trái phiếu bị giải thể hay bị phá sản.
+ Trái phiếu có loại được miễn thuế thu nhập (trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương).
+ Nếu không còn nhu cầu tiếp tục sở hữu trái phiếu có thể chuyển nhượng trái phiếu thông qua sàn giao dịch hoặc bán lại cho chính công ty phát hành.
– Nhược điểm khi đầu tư trái phiếu:
+ Không có quyền biểu quyết, tham gia vào hoạt động của công ty.
+ Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu vỡ nợ thì có thể doanh nghiệp sẽ không có khả năng chi trả công nợ cho người sở hữu trái phiếu.
+ Nếu rơi vào thời điểm rớt giá hoặc nhà đầu tư bán trái phiếu vào cuối thời hạn của trái phiếu. Thì sẽ không nhận được nhiều như khoản đầu tư trái phiếu ban đầu.
III. Những rủi ro trái phiếu doanh nghiệp có thể gặp phải khi đầu tư:
👉Rủi ro lãi suất
– Lãi suất và giá trái phiếu có mối quan hệ nghịch đảo.
– Khi lãi suất giảm, các nhà đầu tư cố gắng nắm bắt hoặc khóa lợi suất cao nhất trong thời gian lâu nhất có thể. Họ sẽ thu lãi từ trái phiếu trả lãi suất cao hơn so với giá thị trường bấy giờ. Sự gia tăng nhu cầu dẫn đến việc tăng giá trái phiếu.
– Ngược lại, khi mức lãi suất hiện hành tăng lên, các nhà đầu tư đương nhiên sẽ từ bỏ những trái phiếu trả lãi suất thấp. Điều này sẽ làm cho giá trái phiếu giảm xuống.
👉Rủi ro khi tái đầu tư
– Tái đầu tư là việc trái chủ đã nhận được tiền nhưng không có cơ hội tái đầu tư lại với mức lãi suất tương đương. Đây là hình thức khá phổ biến ở các doanh nghiệp và nó ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà đầu tư. Đặc tính có thể thu hồi của trái phiếu cho phép tổ chức phát hành mua lại trái phiếu trước ngày đáo hạn. Kết quả là, người sở hữu trái phiếu nhận được khoản thanh toán gốc có giá trị cao hơn so với mệnh giá.
– Tuy nhiên, mặt trái của một trái phiếu có thể thu hồi đó là nhà đầu tư nhận được tiền nhưng không thể tái đầu tư ở mức lãi suất tương đương. Về lâu dài, rủi ro tái đầu tư có tác động xấu đến lợi nhuận đầu tư. Do đó, khi quyết định mua trái phiếu, nhà đầu tư sẽ lựa chọn những trái phiếu không có đặc tính thu hồi để có thể nhận được mức lãi suất cao hơn đồng thời giảm rủi ro khi tái đầu tư trong những lần tiếp theo.
👉Rủi ro lạm phát
– Trong những năm gần đây, tình trạng lạm phát tại thị trường Việt Nam ngày một phổ biến và tăng với tốc độ nhanh chóng. Lạm phát ảnh hưởng đến sự gia tăng của tốc độ lãi suất, làm giảm sức mua trái phiếu và khiến trái chủ thu về lợi suất âm.
– Khi chi phí sinh hoạt và lạm phát gia tăng với tốc độ nhanh hơn so với tốc độ của lãi suất đầu tư trái phiếu, khi đó, sức mua của các nhà đầu tư sẽ giảm và thậm chí có thể thu về mức lợi suất âm. Cụ thể, giả sử một nhà đầu tư trái phiếu có khả năng thu được mức lãi suất 2%, nếu lạm phát tăng lên đến 4% sau khi họ đầu tư, thì lợi suất của nhà đầu tư thực tế chỉ còn là -2%
👉Rủi ro tín dụng
– Trái phiếu chính phủ thường được coi là loại trái phiếu có mức độ rủi ro thấp nhất, vì Chính phủ có khả năng thu thuế hoặc phát hành tiền để thanh toán cho trái chủ khi đáo hạn. Tuy nhiên, khi trái chủ mua trái phiếu của các doanh nghiệp thì không an toàn như vậy, do vậy trái phiếu công ty có mức độ rủi ro cao hơn và phải trả lãi suất cao hơn cho nhà đầu tư.
👉Rủi ro thanh khoản
– Thanh khoản là khả năng chuyển đổi thành tiền của tài sản. Trong một vài trường hợp, nhà đầu tư có thể không bán được trái phiếu doanh nghiệp của mình một cách nhanh chóng do thị trường của trái phiếu đó quá nhỏ với chỉ vài người mua và bán dẫn đến giá cả bị biến động. Chúng tác động trực tiếp đến tỷ suất lợi nhuận của trái chủ.
Lãi suất thấp trong một đợt phát hành trái phiếu có thể dẫn đến biến động giá đáng kể và có tác động xấu đến tổng lợi nhuận của trái chủ (khi bán). Cũng giống như cổ phiếu được giao dịch trong một thị trường thưa thớt, bạn có thể buộc phải bán trái phiếu với một mức giá thấp hơn nhiều so với dự kiến.
👉Rủi ro xếp hạng
– Nếu một công ty bị xếp hạng tín dụng thấp hoặc khả năng kinh doanh và trả nợ có vấn đề, ngân hàng hay các tổ chức cho vay có thể tính lãi suất cao hơn cho các khoản vay sau này của công ty. Điều này có thể có tác động xấu đến khả năng đáp ứng các khoản nợ với các trái chủ hiện tại của công ty và gây tổn thất cho các trái chủ khi muốn bán trái phiếu.
– Đầu tư trái phiếu khá an toàn và có thể tạo ra một dòng thu nhập ổn định cho các nhà đầu tư, nhưng đôi khi cũng có thể đem đến những rủi ro nếu nhà đầu tư không đủ sáng suốt. Tuy nhiên, đầu tư trái phiếu sẽ đơn giản hơn rất nhiều khi nhà đầu tư đã nắm vững những kiến thức cơ bản về trái phiếu, tìm ra những nhân tố thị trường quen thuộc và có thể lường trước được những rủi ro có thể xảy đến với mình để đầu tư đúng lúc, đúng chỗ
👉Rủi ro khi chưa tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp
– Rủi ro lớn nhất của nhà đầu tư trái phiếu là sở hữu trái phiếu của các doanh nghiệp khó khăn. Không ít doanh nghiệp sau khi phát hành trái phiếu với mục tiêu gọi vốn đã phá sản sau một thời gian và không có khả năng hoàn trả cả vốn lẫn lãi cho các nhà đầu tư. Đây là rủi ro khi đầu tư trái phiếu lớn nhất đối với các nhà đầu tư khi đầu tư trái phiếu mà chưa tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp.
– Tuy nhiên, trong những trường hợp rủi ro mà doanh nghiệp bị giải thể hoặc phá sản, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ ưu tiên giải quyết cho các trái chủ (người mua trái phiếu) trước, sau đó mới đến người sở hữu cổ phiếu và hội đồng quản trị.
================
CÔNG TY LUẬT VIETLINK
Trụ sở: P203 tòa nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội
Chi nhánh tại TP.HCM: 602, Lầu 6, tòa nhà số 60 đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đakao, quận 1, TP HCM
☎ Tổng đài tư vấn trực tiếp 24/7: 0914929086

Related Posts