TRÁI PHIẾU LÀ GÌ?NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý VỀ TRÁI PHIẾU?
Trái phiếu là một kênh đầu tư quen thuộc tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro. Vì vậy, cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định đầu tư vào trái phiếu để đạt hiệu quả cao nhất.
- Trái phiếu là gì?
Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành ( Theo khoản 3 điều 4 Luật chứng khoán 2019)
Trong số các loại chứng khoán, trái phiếu là loại xác nhận nghĩa vụ nợ của đơn vị phát hành (doanh nghiệp hoặc chính phủ) với người nắm giữ trái phiếu (người cho vay) với một khoản tiền trong một thời gian xác định. Do trái phiếu là chứng khoán nợ nên khi công ty bị giải thể hoặc phá sản, người nắm giữ trái phiếu được ưu tiên thanh toán trước cổ đông nắm giữ cổ phiếu. Khác với người nắm giữ cổ phiếu, trái chủ (người nắm giữ trái phiếu) không có quyền tham gia vào hoạt động của công ty.
- Phân loại trái phiếu
– Phân loại theo tính chất trái phiếu
+ Trái phiếu chuyển đổi: có thể chuyển thành cổ phiếu tại một thời điểm trong tương lai.
+ Trái phiếu không chuyển đổi: sẽ không được chuyển đổi thành cổ phiếu
– Phân loại theo chủ thể phát hành:
+ Trái phiếu Chính phủ
+ Trái phiếu chính quyền địa phương
+ Trái phiếu doanh nghiệp
– Phân loại theo phương thức bảo đảm
+ Trái phiếu có tài sản đảm bảo: là loại trái phiếu mà tổ chức phát hành dùng tài sản để đảm bảo cho việc phát hành
+ Trái phiếu không có tài sản đảm bảo: Có tính rủi ro cao khi không được đảm bảo bằng tài sản.
- Ưu, nhược điểm khi đầu tư trái phiếu
3.1. Ưu điểm khi đầu tư trái phiếu
– Trái phiếu có lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm có cùng kỳ hạn.
– Dễ dàng thanh toán chuyển nhượng với các chủ thể khác nhau
3.2 Nhược điểm khi đầu tư trái phiếu
– Có khả năng gặp phải trường hợp chủ thể phát hành không thể trả nợ
– Không thể chuyển đổi hay rao bán ngay khi đạt lợi nhuận mong muốn
- Những thuật ngữ thông dụng cần biết khi đầu tư trái phiếu
– Lãi suất danh nghĩa của trái phiếu: Doanh nghiệp được lựa chọn xác định lãi suất danh nghĩa của trái phiếu thông qua một trong ba hình thức: lãi suất cố định, lãi suất thả nổi, hoặc kết hợp cả hai loại trong cùng một đợt phát hành căn cứ theo tình hình tài chính và khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp đó. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tuân thủ các quy định thống nhất của Ngân hàng Nhà nước. Nếu lựa chọn hình thức lãi suất thả nổi, doanh nghiệp phải công bố thông tin làm cơ sở tham chiếu tin cậy cho nhà đầu tư.
– Số lượng phát hành: Doanh nghiệp được tự do quyết định số lượng phát hành trái phiếu, căn cứ trên nhu cầu sử dụng vốn và khả năng huy động trên thị trường tương ứng với từng thời kỳ.
– Loại đồng tiền phát hành và thanh toán trái phiếu: Đối với thị trường trong nước, đồng tiền phát hành được quy định là VNĐ. Đối với thị trường ngoài nước, đồng tiền phát hành được áp dụng theo quy định của thị trường sở tại. Trường hợp thanh toán lãi định kỳ và hoàn trả vốn gốc, đồng tiền thanh toán sẽ tương ứng với loại đã phát hành.
– Mệnh giá trái phiếu: Đối với thị trường trong nước, mệnh giá trái phiếu là 100,000 VNĐ hoặc bội số của 100,000 VNĐ. Đối với thị trường ngoài nước, mệnh giá trái phiếu được áp dụng theo quy định của thị trường sở tại.
– Hình thức phát hành: bút toán ghi nợ, chứng chỉ hoặc dữ liệu điện tử, tùy theo quyết định của doanh nghiệp tại thời kỳ phát hành.
– Kỳ hạn của trái phiếu: Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng vốn của mỗi doanh nghiệp để xác định kỳ hạn của mỗi đợt phát hành trái phiếu.
– Quyền lợi của chủ đầu tư: Được thanh toán tiền lãi theo định kỳ và hoàn gốc khi đáo hạn, được hưởng các quyền lợi liên quan đến trái phiếu như: quyền tài sản, quyền chuyển nhượng, quyền cho – nhận và thừa kế.